Cấy ghép implant vùng thẩm mỹ luôn là thách thức đối với các chuyên gia
So với việc trồng răng truyền thống như phương pháp cầu răng hay hàm giả tháo lắp, cấy ghép implant có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn. Đặc biệt đối với implant trong vùng thẩm mỹ (vùng răng cửa), trồng răng không chỉ đơn giản là hồi phục chức năng ăn nhai mà còn giúp bệnh nhân tự tin nở nụ cười trong các hoạt động giao tiếp và cuộc sống hàng ngày.
Cấy ghép implant vùng thẩm mỹ thực sự là một thách thức đối với các chuyên gia. Bởi mất răng cửa lâu năm sẽ dẫn đến tình trạng tụt nướu, tiêu xương, gây bất lợi trong việc phục hồi thẩm mỹ như răng thật.
Implant trong vùng thẩm mỹ là một thủ thuật vô cùng phức tạp, đòi hỏi Bác sĩ phải giỏi chuyên môn, hiểu biết tường tận cấu trúc giải phẫu, đầy đủ kinh nghiệm để xử lý và phải có óc mỹ quan nhất định để đem lại nụ cười hoàn hảo cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, cơ sở điều trị cũng cần được trang bị đầy đủ các máy móc, công nghệ hiện đại nhằm hỗ trợ Bác sĩ điều trị thành công.
Mục lục nội dung
Cấy ghép răng implant trong vùng thẩm mỹ là gì?
Cấy ghép implant trong vùng thẩm mỹ là việc cấy ghép implant cho vùng răng cửa, thường là 6 răng cửa trước, là vùng răng sẽ lộ ra khi cười nói, giao tiếp. Vì thế, việc phục hình implant vùng răng cửa làm sao để thành công về mặt thẩm mỹ không chỉ là mối quan tâm của nhiều bệnh nhân mà còn là trăn trở của các chuyên gia implant.
Tại sao implant vùng thẩm mỹ lại thách thức các chuyên gia?
So với việc cấy ghép implant ở những vị trí khác thì cấy ghép implant trong vùng thẩm mỹ phức tạp hơn rất nhiều.
Đối với implant vùng răng cửa, răng implant được xem thành công không đơn giản là đạt được sự tích hợp xương tốt, implant cứng chắc, cho sức ăn nhai tốt như implant ở những vị trí khác mà còn phải đạt được sự hài hòa giữa răng và nướu, đem lại vẻ thẩm mỹ tự nhiên. Trong khi đó, mất răng cửa lâu năm dẫn đến tình trạng tụt nướu, tiêu xương là những tình trạng bất lợi trong việc hồi phục thẩm mỹ như răng thật.
Theo tác giả D. Buser – một chuyên gia về implant vùng răng cửa cho biết, mô nướu mỏng và thiếu thể tích xương là 2 trong 12 nguy cơ thất bại thẩm mỹ trong vùng răng cửa. Do đó, thủ thuật cấy ghép phức tạp hơn và tiềm ẩn nhiều khó khăn và cạm bẫy, việc điều trị implant trong vùng răng cửa trở thành thách thức lớn đối với các chuyên gia.
Cấy ghép implant vùng thẩm mỹ (vùng răng cửa)
Những biến chứng có thể xảy ra khi cấy ghép implant trong vùng thẩm mỹ
Một số trường hợp xảy ra những biến chứng đáng tiếc khi chúng ta cấy ghép implant ở vùng thẩm mỹ do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Biến chứng thường gặp là nhiễm trùng, hở vạt, tạo tam giác đen giữa 2 răng. Biến chứng nặng nề nhất về mặt thẩm mỹ là tụt nướu mặt ngoài, làm bộc lộ implant.
Ts.Bs Võ Văn Nhân cho biết, 3 nguyên nhân dẫn đến thất bại trong cấy ghép implant vùng thẩm mỹ gồm:
Sai chỉ định: Bác sĩ điều trị không khảo sát tình trạng lâm sàng của bệnh nhân dẫn đến sai chỉ định. Chẳng hạn như chỉ định đặt implant tức thì sau nhổ răng, trong khi bệnh nhân đã bị tiêu phiến xương mặt ngoài, dễ gây tụt nướu.
Sai kỹ thuật áp dụng: Tay nghề bác sĩ chưa được vững vàng, đặt implant sâu hoặc quá nghiêng không đủ xương bao quanh implant mà không tiến hành ghép bổ sung xương, đồng thời đặt implant quá gần phiến xương vỏ mặt ngoài.
Sức khỏe của bệnh nhân không đảm bảo: Bệnh nhân có mô nướu mỏng, xương vỏ mặt ngoài mỏng, răng hình tam giác, đang có nhiễm trùng hiện diện, bệnh nhân có nhiều bệnh tổng quát làm giảm khả năng lành thương,…
Giải pháp khắc phục những biến chứng của implant trong vùng thẩm mỹ
Theo Ts.Bs Võ Văn Nhân, Với những biến chứng như vậy thì có các giải pháp khắc phục như sau:
Khám đánh giá đúng tình trạng lâm sàng
Bác sĩ cần khám đánh giá tình trạng lâm sàng thật tỉ mỉ bao gồm: khảo sát tình trạng tiêu xương, kiểu khuyết hổng xương, tình trạng mô nướu, tình trạng viêm nhiễm vùng cần cấy implant cũng như vùng lân cận vì một răng nhiễm trùng có thể lan rộng và làm thất bại implant.
Bên cạnh đó, phải xem xét thêm hình thể của răng bên cạnh vùng cần điều trị implant cũng như tương quan khớp cắn với hàm răng đối diện. Như vậy, răng imlant sau này mới có thể ăn khớp và hài hòa với toàn bộ cung hàm cũng như nụ cười của bệnh nhân.
Ngoài ra cũng phải quan tâm đến các bệnh tổng quát và khả năng lành thương cuả bệnh nhân để chọn lựa implant và vật liệu ghép phù hợp. Cần xác định được yếu tố thuận lợi để tận dụng cũng như phải phát hiện được yếu tố bất lợi và cạm bẩy để có giải pháp khắc phục.
Chụp phim CT Cone Beam 3D sẽ giúp Bác sĩ khảo sát tình trạng xương hàm
Chỉ định đúng
Hạn chế đặt implant tức thì ngay sau nhổ răng và không lật vạt. Bởi kỹ thuật không lật vạt tuy ít gây sang chấn cho bệnh nhân những rất khó tiên lượng được kết quả thẩm mỹ nên cần phải dè dặt. Chúng ta chỉ thực hiện khi đảm bảo các điều kiện sau:
- Bệnh nhân có mô nướu dày
- Phiến xương mặt ngoài còn nguyên vẹn
- Mào xương ổ thấp
- Răng có hình vuông hay oval
Trong những trường hợp khác nên đặt implant trì hoãn 2 – 4 tháng sau nhổ răng. Tùy theo kiểu khuyết xương, kết hợp ghép xương hay ghép nướu để làm tăng độ dày, đảm bảo có ít nhất 2mm xương bao quanh implant để chắc chắn implant thành công và ổn định về lâu dài.
Đặt implant đúng kĩ thuật
Implant phải được cấy đúng vị trí, theo 3 chiều không gian trong tương quan với các răng bên cạnh. Không đặt implant có hướng quá ra ngoài (sẽ làm cho răng bị dài) hay vào trong (làm răng bị ngắn) gây mất thẩm mỹ.
Đủ thể tích xương và nướu
Xương đủ và nướu dày là yếu tố thuận lợi cho tiên lượng tốt. Trường hợp thiếu xương hay nướu thì cần ghép bổ sung 2 loại mô này để đảm bảo có đủ 2mm xương bao quanh implant và mô nướu dày tối thiểu 1,1mm và phải có nướu sừng hóa bao quanh implant.
Về vật liệu ghép xương
Trong những trường hợp có khuyết xương lớn, tiêu xương nhiều phải chọn vật liệu ghép là xương thật của bệnh nhân, có thể lấy từ vùng cằm, vùng góc hàm, vùng chậu. Còn trong những tình huống có khuyết xương nhỏ cần ghép xương ít thì có thể sử dụng các vật liệu nhân tạo thay thế xương.
Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm
Cấy ghép implant trong vùng thẩm mỹ là một thách thức cho các bác sĩ phẫu thuật implant. Do đó, đòi hỏi bác sĩ điều trị phải có nhiều năm kinh nghiệm, kĩ năng phẫu thuật, chuyên môn cao, và óc thẩm mỹ đầy sáng tạo.
Yếu tố Bác sĩ là rất quan trọng để quá trình cấy ghép răng implant trong vùng thẩm mỹ đạt kết quả tốt
Bên cạnh đó, cơ sở thực hiện cần được trang bị thiết bị hiện đại để có chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Đối với những người đang có vấn đề về răng trong vùng thẩm mỹ nên tìm hiểu kỹ và thu thập đầy đủ thông tin về các phương pháp cũng như địa chỉ thực hiện trước khi quyết định cấy ghép.
Phục hình sứ nghệ thuật
Răng sứ trên implant phải có hình dáng, màu sắc và những đặc điểm riêng tương đồng và hài hòa với các răng bên cạnh, với môi và nụ cười của bệnh nhân, đồng thời phải phù hợp về khớp cắn thì mới có thể ăn nhai tốt.
Lưu ý khi cấy ghép implant vùng răng cửa
Trong khi cấy ghép implant
- Giữ trạng thái tinh thần tốt nhất trong cuộc phẫu thuật.
- Thông báo tình trạng tâm lý cho bác sĩ hoặc bất cứ vấn đề nào bệnh nhân đang băn khoăn.
Sau khi cấy ghép implant
- Uống thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng túi chườm nóng, lạnh theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Ăn uống thức ăn mềm, tránh ăn nhai mạnh ở vùng phẫu thuật trong những ngày đầu.
- Không tác động vào vùng phẫu thuật, không khạc nhổ.
- Đánh răng nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm để tránh tổn thương vết mổ. Chăm sóc răng miệng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày để vệ sinh răng, bảo trì răng để tăng tuổi thọ răng.
- Tái khám định kì theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra implant và chỉnh khớp cắn, điều chỉnh lực nhai trên implant nếu cần thiết.